Từ 2021, hết cửa phân lô, bán nền trái phép

Nhiều chủ đầu tư tự vẽ dự án phân lô, bán nền đã bị cơ quan công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ 2021, hết cửa phân lô, bán nền trái phép

Chính quyền địa phương đã cảnh báo, khởi tố điều tra nhiều vụ chủ đầu tư tự ý vẽ dự án, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản người mua. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn rộ lên tình trạng phân lô, bán nền trái phép tràn lan.

 

 

Nạn phân lô, bán nền trái phép chưa dứt

 

Nhiều người mua đã trở thành nạn nhân khi đặt tiền vào dự án đất nền do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phát An Gia (phường Long Trường, quận 9, TP.HCM) tự vẽ ra.

Ông Võ Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho biết đã đổ tiền để mua lô đất trong khu dân cư đường số 8, phường Long Phước, quận 9 do Công ty Phát An Gia chào bán. Ngày công ty mở bán dự án, nhân viên kinh doanh đưa ông đi xem đất, cung cấp bản vẽ phân lô tách thửa. Tin tưởng, ông đăng ký mua lô đất diện tích 57,6 m2 với giá gần 1,3 tỉ đồng.

“Tôi đã đặt cọc gần 650 triệu đồng. Theo hợp đồng, từ 180 ngày đến 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, các bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến hẹn thì công ty này không thực hiện cam kết. Họ hứa hẹn sẽ trả lại tiền nhưng vẫn không thực hiện” – ông Tuấn bức xúc.

Nhiều người mua khác đóng tiền cọc tới 80%-90% giá trị lô đất và cũng “chết đứng” vì đất không có mà tiền cũng không lấy lại được. Đến cuối tháng 10-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Mạnh Cường, tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng không hề tiếp nhận hồ sơ, cấp phép đầu tư, xây dựng cho cá nhân Hoàng Mạnh Cường, Công ty Phát An Gia hay tổ chức, cá nhân nào khác tại các thửa đất do Cường đứng tên quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Cường vẫn tự vẽ ra năm dự án phân lô, bán nền, tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo để ký kết hợp đồng đặt cọc, chiếm đoạt hơn 97 tỉ đồng.

Hàng chục khách hàng khác cũng ôm trái đắng khi mua phải dự án mang tên Thành Phát City 1 tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển địa ốc Ba Thành Phát. Công ty này cũng đã thu tiền người mua nhưng dự án không thực hiện vì chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận chủ trương. Trước đó, UBND huyện Bàu Bàng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty Ba Thành Phát, vì hành vi san lấp mặt bằng trái phép tại khu đất trên.

Tại Đồng Nai, chính quyền địa phương vừa tổ chức cưỡng chế, buộc trả lại hiện trạng ban đầu nhiều trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng và thi công hạ tầng phân lô không đúng mục đích sử dụng đất. Tỉnh cũng có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trạng sử dụng đất tại 47 vị trí đất có phản ánh về tình trạng rao bán đất nền trái phép trên mạng xã hội tại các huyện Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa.

 

Siết quy định để xóa phân lô trái phép

 

Thông tin đáng mừng là Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 đã bổ sung quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), như vậy, từ năm 2021 sẽ có quy định chặt chẽ về điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa so với các quy định trước đây. Điều này nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trái phép.

Luật Đất đai chỉ cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở nông thôn, đất ở đô thị, không quy định tách thửa đối với các loại đất khác không phải là đất ở. Thế nhưng Nghị định 01/2017 lại quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Theo ông Châu, quy định không rõ ràng đã dẫn đến ngộ nhận là có thể cho phép tách thửa đối với tất cả loại đất. Nhiều chủ đầu tư cố ý lách luật, tách thửa trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất lúa, đất trồng cây lâu năm… Lẽ ra cụm từ “từng loại đất” phải được hiểu thống nhất là chỉ bao gồm đất ở nông thôn và đất ở đô thị.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, nhận định: “Quy định mới cùng với sự giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm của chính quyền địa phương, tình trạng phân lô, bán nền trái phép, vẽ dự án ma trong tương lai sẽ bị dẹp bỏ. Việc nhiều chủ đầu tư bị truy cứu trách nhiệm hình sự là hồi chuông cảnh báo răn đe các đối tượng làm ăn bất chính” – ông Quang nói.

Người mua đừng tham đất rẻ

Ông Trần Khánh Quang cho biết các công ty bất động sản lập dự án phân lô trái phép thường dụ khách hàng nộp tiền vào dưới hình thức đầu tư, góp vốn, giữ chỗ, thỏa thuận đặt cọc… Khi dự án không có pháp lý để giao sản phẩm, chủ đầu tư sẽ hứa hẹn, thậm chí bỏ trốn, đóng cửa công ty.

“Người mua phải tỉnh táo khi đầu tư vào các dự án bất động sản có giá quá rẻ so với thị trường. Đừng chỉ nhìn trên giấy mà phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực để kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Trong trường hợp nghi ngờ, người mua cần liên hệ ngay cơ quan quản lý như UBND xã, huyện, phòng TN&MT để kiểm tra, đối chiếu các thông tin từ chủ đầu tư cung cấp” – ông Quang lưu ý.

Nguồn: Từ 2021, hết cửa phân lô, bán nền trái phép (tintuc24h.top)

5/5 - (1 bình chọn)

Comments are closed.

Bài viết liên quan