Thông tin xây dựng cầu Thị Nại 2. Với mục đích giảm tải giao thông cho Cầu Thị Nại 1 (hay còn gọi là cầu Nhơn Hội đã từng được ghi nhận là cây cầu vượt biển dài nhất ở Việt Nam), tỉnh Bình Định đang ra sức đề nghị Trung ương quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư vào Dự án cầu Thị Nại 2 bắc qua đầm Thị Nại ( TP.Quy Nhơn).
Bên cạnh đó, hiện tại cầu Thị Nại với quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ yêu cầu khi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Bình Định.
THÔNG TIN QUY HOẠCH DỰ ÁN CẦU THỊ NẠI 2
Cầu Thị Nại 2 sẽ có chiều dài khoảng 2,5km với tổng mức đầu tư dự kiến từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Định và ngân sách trung ương là hơn 1.888 tỷ đồng .
Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong năm 2020, giai đoạn 2021-2025 triển khai thực hiện dự án. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí vốn chuẩn bị đầu tư là 2 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 5 tỷ đồng, giai đoạn 2021–2025 sử dụng vốn ngân sách tỉnh cùng với ngân sách trung ương để hoàn thành dự án theo đúng quy định.
Dự án cầu Thị Nại 2 tồn tại song song với cầu Thị Nại đang hiện hữu, có điểm đầu nằm tại nút giao Quốc lộ 19 mới (Km5+446) với tuyến Quy Nhơn – Nhơn Hội thuộc TP.Quy Nhơn; điểm cuối dự án nằm tại vị trí nút giao thông T26, khu kinh tế Nhơn Hội thuộc TP.Quy Nhơn.
Ý NGHĨA QUY HOẠCH CỦA CẦU THỊ NẠI 2
Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội: là một trong 5 tỉnh thành hạt nhân giúp thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế khu vực miền Trung–Tây Nguyên, Bình Định đang tập trung vào phát triển mạnh hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế, du lịch cho cả tỉnh.
Theo định hướng phát triển chung của tỉnh Bình Định, khu kinh tế Nhơn Hội sẽ trở thành động lực phát triển của thành phố Quy Nhơn, Bình Định, là đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm từ miền Trung về phía Nam.
Bên cạnh đó, khu kinh tế Nhơn Hội đã được điều chỉnh quy hoạch tổng thể từ 12.000 ha lên 14.308 ha, đồng thời thúc đẩy việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối tới trung tâm TP Quy Nhơn, từng bước dịch chuyển phát triển thành phố về phía Bắc, tạo động lực thu hút hàng loạt nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước.
Theo tỉnh Bình Định, Cầu Thị Nại hiện hữu được đưa vào xây dựng từ năm 2003 và khai thác sử dụng hết tháng 12/2006, là cây cầu huyết mạch nối TP.Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai.
Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu vận tải được đề ra trong việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội thì đến năm 2040, lưu lượng giao thông tầm 41.000–60.000 xe/ngày đêm.
Như vậy, để nhu cầu phát triển giao thông đô thị cầu Thị Nại được đáp ứng phải đảm bảo cho 6 làn xe cơ giới. Vì vậy, việc xây dựng cầu Thị Nại 2 ngay bên cạnh cầu Thị Nại hiện hữu là mục tiêu cần thiết và cần triển khai xây dựng để thu hút đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch, đô thị, công nghiệp, tạo động lực cho phát triển của Nhơn Hội nói riêng và toàn vùng nói chung.
Cầu Thị Nại 2 sẽ là nhịp cầu nối tương lai, là tiền đề để Bình Định cùng với khu vực và cả nước tạo ra nhiều bước đột phá quyết liệt hơn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng cùng với triển khai xây dựng các dự án đã được cấp phép.
Phát triển du lịch, dịch vụ ở bán đảo Phương Mai:
Cầu Thị Nại 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế–xã hội của Bình Định. Cụ thể, phía Bắc TP.Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai rộng 12.000 ha, có vị trí địa lý rất thuận lợi, cùng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, thích hợp xây cảng biển nước sâu, khu đô thị, khu thương mại, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ…
Bình Định luôn trăn trở phải làm sao để có thể phát triển vùng đất này đúng với tiềm năng vốn có của nó. Khó khăn hơn là bán đảo Phương Mai lại bị ngăn cách với nội thành Quy Nhơn bằng đầm Thị Nại rộng lớn. Còn đối với phía Bắc, nếu từ Chợ Gốm (Phù Cát) muốn đến bán đảo này, phải đi qua một đoạn đường dài trên 20km.
Ở thời điểm trước khi cầu Thị Nại 1 chính thức được thông xe, toàn bộ bán đảo Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội vẫn là mảnh đất hoang sơ, hiếm ai nghĩ đến sự chuyển mình và “thay da đổi thịt” từ nó và trở thành vùng đất đáng sống, đầu tư như hiện nay.
Do vậy, dự án cầu Thị Nại 2 song song với cầu Thị Nại 1 chính là cơ hội để thành phố Quy Nhơn nâng lên một tầm cao mới ngang tầm một đô thị loại I trong tương lai gần. Đồng thời, tuyến cầu đường này cũng là tiền đề quan trọng để tạo điều kiện phát triển toàn diện, bền vững cho khu kinh tế Nhơn Hội –động lực của vùng kinh tế trọng điểm ở miền Trung.
Chưa kể, nếu như không có cầu Thị Nại, thì du khách trong nước và ngoài nước sẽ không thể nào biết đến “nàng tiên đang ngủ” là bãi biển Nhơn Lý – Nhơn Hội, cũng như tiềm năng và triển vọng phát triển của Bán đảo Phương Mai đã rất lâu mới được khai thác.
Sự xuất hiện của cầu vượt Biển Thị Nại nối cả bán đảo Phương Mai với Quy Nhơn, đã tạo ra cho thành phố biển một hướng giao thương khác ở phía Bắc sau tuyến Quy Nhơn – sông Cầu ở phía Nam, đưa Phương Mai trở thành điểm đến của nhiều dự án nghìn tỷ.