Thí điểm cấp phép xây dựng cho đất nông nghiệp tại 3 huyện. Trước tốc độ đô thị hóa, tại các quận, huyện ngoại thành TP.HCM, hiện có một vướng mắc lớn nhất là cấp phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.
Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, thông tin việc cấp giấy phép xây dựng trên các dự án đất nông nghiệp đang gặp nhiều trở ngại do quy định không được xây trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh tại TP.HCM đã xuất hiện nhu cầu đó và ngày càng nhiều.
Thí điểm cấp phép xây dựng cho đất nông nghiệp tại 3 huyện
Ông Tiến cho hay, vừa qua, Sở đã có tờ trình tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy trình thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp tại 3 huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi. Đó là những địa phương nảy sinh nhu cầu xây dựng công trình phục vụ làm nông nghiệp lớn. Trong đó, UBND TP.HCM đã thống nhất phạm vi áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng các công trình nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt). Giải pháp xây dựng được phân theo 2 nhóm công trình. Nhóm 1 gồm hạng mục chòi canh, nhà giữ vườn (với diện tích không quá 15 m²) không nhằm mục đích để ở được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường như cây gỗ, tranh, tre, nứa, lá; kênh, mương phục vụ tưới tiêu; cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi. Theo Sở Xây dựng, với nhóm này, công trình sẽ được tự thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp nhưng phải thông báo đến UBND xã để phối hợp kiểm tra, quản lý việc thực hiện theo đúng nội dung chủ đầu tư đã thông báo.
Với nhóm 2 gồm các công trình có quy mô cấp 4, có mật độ xây dựng không quá 5% và 1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000m², chiều cao công trình dưới 6m… Sở này cũng nhấn mạnh công trình phải được UBND huyện thỏa thuận quy mô phù hợp phương án sản xuất nông nghiệp để chủ đầu tư thẩm định phê duyệt và thông báo ngày khởi công xây dựng đến UBND xã để được phối hợp kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định trước khi xây dựng.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án nông nghiệp này phải cần thuyết minh phương án sản xuất nông nghiệp xác định nhu cầu và sự cần thiết để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và một số yêu cầu về sơ đồ mặt bằng thể hiện vị trí công trình trên thửa đất, khoảng cách công trình đến ranh đất xung quanh và công trình kế cận, diện tích, chiều cao, chất liệu xây dựng khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường… Ngoài ra, kết nối hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp thoát nước, giao thông và vệ sinh môi trường; bố trí phương tiện đáp ứng yêu cầu PCCC. Sau khi có văn bản thỏa thuận của UBND huyện, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng. Đồng thời, gửi thông báo ngày khởi công xây dựng đến UBND xã để được phối hợp kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định.
Đến nay, thông tin từ UBND TP, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng. Cho phép 3 huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè thí điểm cấp phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phạm vi chỉ áp dụng đối với các công trình như: chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở; kênh, mương phục vụ tưới tiêu; các cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi. Công trình xây dựng cũng chỉ để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi… UBND TP đã chỉ đạo rõ trách nhiệm của UBND các huyện trên thường xuyên kiểm tra, rà soát và có báo cáo định kỳ về UBND TP. Đặc biệt, phải có đánh giá và đề xuất hướng tiếp theo để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể đối với UBND các huyện, tránh tối đa tình trạng lợi dụng thí điểm để làm những công trình không đúng quy định pháp luật.
Phước Sửu
Theo Thanhnien.vn