Ngân hàng Hàn Quốc muốn góp vốn đầu tư tuyến Metro số 5 tại TP.HCM

Ngân hàng Hàn Quốc muốn góp vốn đầu tư tuyến Metro số 5 tại TP.HCM. Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến metro số 5 – giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

 

Thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim Bank) vừa có thư chính thức gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và MAUR, đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến Metro số 5 – giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới).

Theo nội dung thư của ông Soun-young Chung, Tổng Giám đốc Bộ phận Hợp tác Kinh doanh Toàn cầu của KEXIM, ngân hàng sẽ sớm cấp vốn cho việc cập nhật nghiên cứu tiền khả thi của dự án, chuyển đổi từ hình thức đầu tư ODA sang mô hình đối tác công – tư (PPP). Việc nghiên cứu được triển khai cụ thể trên 3 khía cạnh: kỹ thuật, tài chính và pháp lý để đảm bảo tính khả thi của dự án. Các thành viên của nhóm nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư tham gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 9 của Seoul, được thực hiện theo mô hình PPP.

Trước đó, ngày 19.1, phía MAUR cũng đã có buổi làm việc với nhóm các nhà đầu tư và các Công ty tư vấn đến từ Hàn Quốc để trao đổi về công tác nghiên cứu cũng như định hướng các công việc liên quan. Tại buổi làm việc, phía Hàn Quốc, gồm Ngân hàng Kexim, Tập đoàn Lotte, Tập đoàn Hyundai, Công ty PWC Samil – Tư vấn tài chính, Dohwa Engineering – Tư vấn kỹ thuật, Sejong và Shearman & Sterling – Tư vấn pháp lý… đã trình bày kế hoạch cập nhật Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến sẽ trình nộp báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2021.

Dự án tuyến metro số 5 – giai đoạn 2 trước đây cũng đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên hình thức đầu tư vay vốn ODA không thể thực hiện được và đang được thay thế lựa chọn bằng hình thức đầu tư đối tác công tư. Hiện nay, KOICA cũng đang tài trợ một dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho Ban nghiên cứu quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) cho đoạn tuyến này.

Tuyến metro số 5 của TP.HCM có tổng chiều dài 23.39 km, hướng tuyến: Bến xe Cần Giuộc mới – Quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn) có tổng chiều dài khoảng 8.89 km (7.46 km ngầm và 1.43 km trên cao); Giai đoạn 2 (Ngã 4 Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước, tổng chiều dài khoảng 14.5 km (8.9 km đi ngầm và 5.6 km đi trên cao).

Cuối tháng 4-2020, UBND TP đã có công văn chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến metro số 5 – giai đoạn 1 từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn. Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở tiếp thu và giải trình các ý kiến thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước đối với Dự án làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2020 và sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án.

Phước Sửu

Theo báo thanhnien

5/5 - (2 bình chọn)

Comments are closed.

Bài viết liên quan