Các địa phương “đua” cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao

Các địa phương “đua” cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao. 10 năm qua, Quảng Ninh và Đà Nẵng gần như thay nhau chiếm “ngôi vương” PCI trong khi hai thành phố đầu tàu là Hà Nội, TP HCM gần như dậm chân tại chỗ.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố từ năm 2005 được xem là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

Nếu nhìn riêng 10 năm qua, nhìn chung, vị trí quán quân vẫn thường xuyên thuộc về Quảng Ninh và Đà Nẵng, cũng là hai đơn vị mà chính quyền thường xuyên coi trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh.

 

 

Quảng Ninh là địa phương liên tiếp 4 năm giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Năm 2020, Quảng Ninh ghi nhận 75.03 điểm, mức điểm cao nhất mà các tỉnh, thành ghi nhận trong 16 năm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai là những chỉ số được đánh giá “khoai” nhất trong 10 tiêu chí đánh giá của PCI, đòi hỏi những nỗ lực cải cách thực sự từ bên trong của chính quyền mỗi địa phương. Duy trì vị trí quán quân năm thứ tư, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn nhờ các chỉ số này cải thiện qua từng năm.

Từ năm 2017, yêu cầu “3 giảm” trong cải cách thủ tục hành chính (thủ tục, thời gian, chi phí cho nhà đầu tư) đã được chính quyền Quảng Ninh áp dụng. Nhờ đó, các chỉ số về cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7.76 điểm) của Quảng Ninh ghi nhận cải thiện tốt nhất 5 năm qua.

Cộng đồng tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh. 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền vận dụng pháp luật linh hoạt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 79% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh. 97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn…

 

Minh chứng là một dự án của nhà đầu tư Hong Kong tại tỉnh này trị giá 500 triệu USD được chính quyền địa phương cấp phép trong thời gian kỷ lục, 24 giờ. “Cả hệ thống chính trị quán triệt phải làm sao thủ tục hành chính giảm, nhanh nhất. Các dự án đầu tư tại Quảng Ninh đều được lãnh đạo tỉnh tìm cách tháo gỡ, giảm tối đa thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Duy trì thứ bậc á quân trong PCI 2020, Đồng Tháp cũng có những cải thiện đáng kể so với 2019 trong cải cách hành chính (tăng 1.1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0.81 điểm) và giảm thiểu chi phí không chính thức tăng 0.45 điểm.

Bí quyết giữ vị trí á quân được Chủ tịch UBND Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ là nhờ “quyết tâm người đứng đầu, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi người dân làm cốt lõi, doanh nghiệp là động lực cải cách”.

Nhiều sáng kiến cải cách được chính quyền Đồng Tháp đưa ra, ghi dấu ấn cho cách làm mới, sáng tạo như câu lạc bộ cà phê doanh nghiệp, câu lạc bộ liên kết doanh nghiệp sản xuất… Nhờ những kết nối này, doanh nghiệp Đồng Tháp hướng tới chế biến nông sản tinh, sạch và an toàn theo chuỗi sản xuất. “Còn khó khăn nhưng doanh nghiệp Đồng Tháp không còn rơi vào cảnh phải chờ giải cứu nông sản”, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Ở vị trí thứ ba, Long An vươn lên nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp tăng 1.17 điểm, cải cách thủ tục hành chính tăng 1.32 điểm.

Trong top 10, Bình Dương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất khi tăng 2.78 điểm và 9 bậc so với năm 2019 nhờ những đánh giá tích cực từ doanh nghiệp về gia nhập thị trường tăng 1,22 điểm, hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0.91 điểm.

Đây là kết quả Bình Dương đã rà soát, hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục đầu tư, công khai cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi giải quyết vướng mắc triển khai dự án nhanh đi vào sản xuất kinh doanh.

Trong khi các tỉnh ở vị trí đầu có sự cải thiện mạnh mẽ, năng động cải cách, thì Hà Nội, TP HCM – hai đầu tàu kinh tế lớn cả nước có vẻ đang chậm lại. Thứ hạng trong PCI hai năm liên tiếp (2019 – 2020) của hai thành phố này không thay đổi, lần lượt ở thứ 9 và 14.

Năm 2016, Hà Nội lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt, ở vị trí 14 trên bảng xếp hạng và duy trì ở nhóm này trong suốt 5 năm qua. Lần đầu thành phố này lọt vào top 10 xếp hạng PCI vào năm 2018, ở vị trí thứ 9, song thứ hạng này không có sự thay đổi 2 năm qua.

Năm 2020, Hà Nội được đánh giá tốt ở chỉ số chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền. Đây đều là những điểm số ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm qua. Song ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch hay tiếp cận đất đai thì thành phố này lại đang “tụt” lại so với chính mình. Năm 2020, chỉ số gia nhập thị trường của Hà Nội chỉ đạt 6.74 điểm, thấp hơn 1.24 điểm so với năm 2019 và 1,46 điểm so với 2018. Điều này cho thấy, doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian hơn cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tương tự, chỉ số tiếp cận đất đai năm nay đạt 6.07 điểm, cao hơn các năm 2016 – 2018, nhưng lại thấp hơn nhiều so với 2019 (6.63 điểm).

Trong 10 chỉ số đánh giá của PCI thì tính minh bạch của Hà Nội năm nay khá thấp, chỉ đạt 5.81 điểm, mức thấp nhất trong 5 năm. Chỉ số này cho thấy việc tiếp cận thông tin (bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công… ) của doanh nghiệp từ phía chính quyền địa phương còn khó khăn.

TP HCM được ví là khu vực kinh tế năng động nhất nước, nhưng thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI không cải thiện, thậm chí tụt lại. 5 năm qua, từ vị trí thứ 8 vào năm 2016 ở nhóm Tốt, TP HCM tụt xuống thứ hạng 14, thuộc nhóm Khá.

Các địa phương “đua” cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao

Trong 10 chỉ số đánh giá PCI, TP HCM có 3 chỉ số giảm điểm và ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm, gồm gia nhập thị trường (6.81 điểm), tính minh bạch (5.68 điểm) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6.55 điểm). Thực tế này cho thấy doanh nghiệp tại thành phố vẫn mất nhiều thời gian để thành lập, khó tiếp cận thông tin và chưa nhận được những hỗ trợ kịp thời từ chính quyền.

Tuy nhiên, cũng có những chỉ số cải thiện đáng kể trong 5 năm qua, như chi phí thời gian, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai hay thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Nhiều dự án đầu tư kéo dài, tồn đọng nhiều năm đang khiến niềm tin của doanh nghiệp giảm sút. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng, chính quyền thành phố nên tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, tạo niềm tin và đồng hành cùng doanh nghiệp, không nên để “một mình doanh nghiệp làm” như hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, hầu hết đều có sự chuyển động, cải thiện môi trường kinh doanh, song nỗ lực cải cách tới đây của chính quyền các địa phương cần “theo chiều sâu, gia tốc nhanh hơn”. Bởi ngay các chỉ số được đánh giá cải thiện trong nhiều năm như giảm chi phí chính thức, nhưng gần 45% doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải trả các chi phí này.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI bổ sung, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong cải cách, nhất là chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai khi đây là những yếu tố có tính “mặt tiền” trong thu hút đầu tư.

“Đây là lúc chính quyền địa phương phải nghĩ đến việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp trong vai trò giải quyết các vấn đề lớn của phát triển, đặt họ vào đúng vị trí, chứ không thể chỉ là nguồn nộp ngân sách, tạo việc làm”, ông khuyến nghị.

Phước Sửu

Theo VNExpress

5/5 - (2 bình chọn)

Comments are closed.

Bài viết liên quan