Bất động sản công nghiệp là đòn bẩy cho thị trường Long An bứt phá

Bất động sản công nghiệp là đòn bẩy cho thị trường Long An bứt phá. Những lợi thế về bất động sản công nghiệp, quỹ đất rộng, giá còn mềm… là những yếu tố giúp bất động sản Long An trở thành mối quan tâm mới của giới đầu tư địa ốc.

 

 

 

Bất động sản công nghiệp là đòn bẩy cho thị trường Long An bứt phá

Với việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, mặt bằng giá còn thấp, và vị trí chiến lược kết nối TP.HCM với Đồng Bằng Sông Cửu Long, tỉnh Long An đang đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn tỉnh và cả khu vực.

Mới đây, ông Neil Macgregor, Giám Đốc Điều Hành, Savills Việt Nam đã đưa ra những nhận định khả quan về tiềm năng và sức hấp dẫn của tỉnh Long An trong thời gian sắp tới.

Theo đó, Long An được đánh giá là một tỉnh thành sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, giúp tạo ra những đột phá về kinh tế và xã hội. Có thể kể đến như mạng lưới sông ngòi dày đặc liên kết từ các hệ thống sông lớn, nguồn nước ngầm dồi dào lên tới 4.5 triệu m3/ngày và đêm, nguồn nguyên liệu tự nhiên đa dạng cho hoạt động khai thác sản xuất, diện tích đất dồi dào, chi phí nhân công rẻ…

Trong những năm gần đây, Long An được cả nước chú ý khi liên tục có nhiều bứt phá và đóng góp cho cả nước. Trước khi đại dịch bùng phát, Long An đã liên tục tăng trưởng và có những chỉ số ấn tượng: năm 2018, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt tới 10.36%, và được xếp vào nhóm các tỉnh hàng đầu cả nước; năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhưng Long An vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, lên tới 5.91% theo báo cáo của tỉnh.

Với những chỉ số tích cực vượt xa mong đợi và đà tăng trưởng hồi phục sau dịch được dự đoán ổn định trong những năm tới, Long An tiếp tục thu hút sự quan tâm cao từ những nhà đầu tư và làn sóng FDI không ngừng chảy về tỉnh. Ông Neil Macgregor nhận định: “Trong cùng khu vực Đông Nam Bộ, những năm vừa qua chứng kiến việc Bình Dương là tỉnh được săn đón trong suốt hai thập kỷ vừa qua, thì giờ đây, nguồn cung quỹ đất tại đây đang ngày một khan hiếm với mặt bằng giá tăng cao. Điều này đã mở ra cơ hội cho Long An vươn lên như một điểm đến hấp dẫn mới khi nơi đây hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.”

Cũng theo ông Neil MacGregor, việc Long An nằm trong nhóm những tỉnh thành có tốc độ phát triển hàng đầu Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh, vùng và cả nước. Hiện tại, tỉnh đã thành công thu hút đến 1.079 dự án FDI với vốn đăng kí lên tới 6.608 triệu USD và có tới 588 dự án đã được thực hiện với tổng vốn 3.624 triệu USD.

Với dòng vốn FDI ngày càng tăng được rót vào tỉnh, thì Long An đã và đang cải thiện đáng kể về mặt kinh tế cũng như đời sống người dân thông qua việc cung cấp hàng ngàn việc làm chất lượng để người dân có thể phát triển ổn định tại địa phương và góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của toàn tỉnh. Ngoài ra, việc thu hút nhiều doanh nghiệp và vốn đầu tư cho Long An còn góp phần tích cực đến sự phát triển của cả nước khi đóng góp vào ngân sách nhà nước 16,990 tỷ, tương đương với 101.3% dự đoán ban đầu của Chính phủ vào năm 2020.

Dự đoán về tương lai gần của tỉnh, ông Neil Macgregor chia sẻ: “Với việc định hướng phát triển vùng trọng điểm kinh tế ở các tỉnh phía nam, và sự quan tâm của các cấp chính quyền, Long An sẽ hưởng được nhiều lợi ích và tiếp tục đà phát triển đáng ngưỡng mộ như đã chứng kiến trong những năm gần đây. Ngoài ra, Long An sẽ là một điểm đến rất đáng quan tâm về bất động sản công nghiệp, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp sản xuất thiên về công nghệ sinh học, thực phẩm, nông nghiệp và logistics hậu cần kho bãi, khi việc đầu tư vào tỉnh mang lại nhiều lợi ích và thuận tiện.

Long An cũng sở hữu vị trí chiến lược ngay giữa TP.HCM và các tỉnh thành còn lại của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thêm vào đó là tiến độ hoàn thiện của các cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực như đường cao tốc Trung Lương và đường Vành Đai 3, các doanh nghiệp đầu tư sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phong phú của ĐBSCL và quốc tế thông qua các cảng trong khu vực, cũng như thị trường đa dạng tại vùng TP.HCM với chi phí thấp hơn.”

Phước Sửu

Theo Tinmoi24h

Rate this post

Comments are closed.

Bài viết liên quan