Ba vùng đô thị đặc trưng trong quy hoạch Đà Nẵng

Ba vùng đô thị đặc trưng trong quy hoạch Đà Nẵng. Mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi.

Ngày 15/3, lãnh đạo Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, trong tương lai Đà Nẵng sẽ hình thành 3 vùng đô thị, một vùng sinh thái và 2 vành đai kinh tế.

 

 

Vùng ven mặt nước sẽ gồm các phân khu ven sông Hàn và bờ đông – khu vực đô thị ven biển Đông tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn đến giáp Quảng Nam, ven vịnh Đà Nẵng và cảng biển Liên Chiểu.

Trong đó, phân khu ven sông sông Hàn và bờ đông diện tích 6.644 ha, dân số dự kiến 484,000 người; phân khu ven vịnh Đà Nẵng diện tích 1,530 ha, dân số 192,000 người; phân khu ven cảng biển Liên Chiểu, diện tích 1,285 ha, dân số 19,000 người.

Vùng lõi xanh là phân khu công nghệ cao ở tây bắc, trung tâm lõi xanh, khu đổi mới sáng tạo ở phía nam và sân bay; trong đó khu vực đô thị sân bay diện 1,327 ha, dân số 104,000 người.

Vùng sườn đồi là phân khu đô thị sườn đồi, khu nông nghiệp ứng dụng cao và khu dự trữ phát triển, tổng dân số vùng hơn 260,000.

Ba vùng đô thị đặc trưng trong quy hoạch Đà Nẵng

Một vùng sinh thái gồm hai phân khu ở phía tây, diện tích khoảng 57.692 ha, dân số dự kiến 21,000 người; và phía đông bao gồm huyện Hoàng Sa với diện tích 30,500 ha và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4,232 ha, dân số dự kiến khoảng 7,000 người.

Không gian cây xanh được tổ chức bao gồm các hành lang nằm dọc theo các con sông như sông Cu Đê và sông Hàn; hệ thống công viên tuyến tính dọc theo bờ sông và khu vực ven biển, xung quanh các hồ nước, tại giao điểm của hành lang xanh và mặt nước; các khu vực nhạy cảm với môi trường như dãy Bạch Mã, dãy Bà Nà và bán đảo Sơn Trà.

 

 

Với bản quy hoạch lần này, Đà Nẵng cũng hình thành hai vành đai kinh tế. Một là vành đai phía bắc – vành đai công nghiệp công nghệ cao cảng biển – logistics. Hai là vành đai phía nam – vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dứng công nghệ cao.

Quy hoạch các vùng và phân khu của Đà Nẵng dựa trên quan điểm bảo vệ giá trị và khai thác lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo, như bán đảo Sơn Trà, đồi núi, sông suối, ao hồ và dải cát ven biển…

Việc kiểm soát nhà cao tầng cũng được tính đến. Trong đó, khu vực được xây cao tầng trung bình hơn 80 m là trung tâm thành phố mở rộng (một phần quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn); trung tâm thành phố hiện tại từ 60 đến 80 m.

Khu vực dọc vịnh Đà Nẵng (quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu), từ 40 đến 60 m để không hạn chế tầm nhìn ra vịnh và xung quanh sân bay Đà Nẵng; hành lang cất, hạ cánh sân bay chỉ được xây dựng dưới 40m.

 

 

Trong điều chỉnh quy hoạch chung vừa được phê duyệt, Đà Nẵng đề ra nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, như: Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, để trở thành cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856 ha; phát triển đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng để trở thành trung tâm logistics chuyên dụng.

Thành phố cũng hướng đến đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao; xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm; xây mới cảng Liên Chiểu công suất suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích 450 ha (gồm cả phần mặt nước); làm hầm chui xuyên qua sân bay, hầm qua sông Hàn…

 

 

Đầu tháng 3, Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này, như: Dự án PPP (đối tác công tư) 54.500 tỷ đồng xây dựng hai hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống xe điện bánh sắt tramway; dự án xây dựng tàu điện kết nối thành phố với Hội An từ 7,490 đến 14,990 tỷ đồng; dự án làm 2.48 km đường hầm xuyên sân bay khoảng 8,228 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố, PPP và vốn ODA…

Về phân kỳ thực hiện quy hoạch, 5 năm đầu tiên (2020 – 2025), Đà Nẵng tập trung vào hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn thành; phát triển các dự án trong khu vực đô thị và trung tâm thành phố hiện có, bao gồm phố tài chính và trung tâm kinh doanh thương mại.

5 năm tiếp theo (2025 – 2030) là giai đoạn chuyển biển, tái phát triển, tập trung vào các dự án thương mại, văn hóa và du lịch đẳng cấp cao. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng, như mở rộng nhà ga T1, xây dựng nhà ga hàng hoá tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, cảng biển du lịch Tiên Sa; ga đường sắt mới, hầm qua sân bay, hầm qua sông Hàn, đường sắt đô thị, tái thiết khu vực ga đường sắt cũ…

Giai đoạn 2030 – 2045, thành phố sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại. Các vùng đất dự trữ ở phía nam và phía tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp.

Chính phủ giao Đà Nẵng có cơ chế thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này được Đà Nẵng thuê đơn vị tư vấn Singapore thực hiện, thay thế cho bản quy hoạch 2013. Mục tiêu của đồ án là Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Phước Sửu

Theo VNExpress

5/5 - (2 bình chọn)

Comments are closed.

Bài viết liên quan