Đà Nẵng kêu gọi dự án tàu điện ngầm hơn 2 tỷ USD. Thành phố Đà Nẵng mong muốn xây dựng hai trục tàu điện ngầm kết nối các quận trung tâm, với nguồn vốn 54,500 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa phê duyệt điều chỉnh danh mục 57 dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố, giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 54,500 tỷ đồng, hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư) để xây dựng hai hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống xe điện bánh sắt tramway.
Dự án gồm trục đông tây kết nối từ Nam Ô 1 (quận Liên Chiểu), đi qua trung tâm thành phố (quận Thanh Khê và Hải Châu), đến khu biển Mỹ Khê (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), nối với trục đông tây của giao thông công cộng thành phố. Trục thứ hai là tuyến nam bắc, kết nối vào khu Sơn Trà Tịnh Viên (bán đảo Sơn Trà), khu lân cận sân bay (quận Hải Châu), đến Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).
Đà Nẵng kêu gọi dự án tàu điện ngầm hơn 2 tỷ USD
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi nguồn vốn từ 7,490 đến 14,990 tỷ đồng để xây dựng dự án tàu điện kết nối thành phố với phố cổ Hội An (Quảng Nam). Dự án này đã đưa vào quy hoạch chung mạng lưới tuyến vận tải công cộng để làm cơ sở triển khai và đề xuất bố trí vốn.
Một dự án khác là đường hầm qua sân bay Đà Nẵng, dài khoảng 3.7 km với phần hầm 2.48 km, quy mô 6 làn xe và xây dựng các nhánh kết nối với khu đô thị phía tây sân bay Đà Nẵng. Nguồn vốn cần 8,228 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố, PPP và vốn ODA.
Khi làm đường hầm qua sân bay, thành phố sẽ mở rộng đường Lê Trọng Tấn, Trưng Nữ Vương tới nút giao với đường Duy Tân, quy mô lần lượt 27.5 và 32 m; cải tạo nút giao với đường Nguyễn Hữu Thọ, Duy Tân bằng các nút giao bằng; cải tạo nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn và đường Trường Chinh, xây cầu vượt dọc trên đường Trường Chinh với chiều dài cầu 211m, quy mô 2 làn xe…
Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Trong đó nhà nước đầu tư hơn 3,400 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung. Tư nhân đầu tư hơn 3,900 tỷ đồng xây dựng một bến container và một bến hàng tổng hợp, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100,000 tấn, tàu container sức chứa từ 6.000 đến 8.000 TEUs, lượng hàng thông qua 3.5 – 5 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, thành phố kêu gọi đầu tư di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, với nguồn vốn hơn 12,600 tỷ đồng; xây dựng các bãi đỗ xe thông minh (2,500 tỷ đồng); bốn trung tâm Logistics vào Cảng Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế, khu công nghệ cao, ga hàng hóa Kim Liên (nguồn vốn do nhà đầu tư đề xuất).
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ và sản xuất chip, cảm biến sinh học (suất đầu tư 10 – 15 triệu USD/ha); công nghệ thiết kế, chế tạo robot (suất đầu tư 8 – 15 triệu USD/ha); sản xuất điện từ năng lượng mặt trời (nhà đầu tư đề xuất), ưu tiên trên mái nhà.
Thành phố cũng kêu gọi đầu tư Nhà hát lớn 5.000 tỷ đồng; trường đua ngựa và trang trại nuôi ngựa 4,500 tỷ đồng; Trung tâm điều trị ung bướu quốc tế chất lượng cao (quy mô 500 giường bệnh), 11.000 tỷ đồng. Nhà máy xử lý chất thải rắn, sinh hoạt công suất 1,000 tấn/ngày, cần 3,000 tỷ đồng; thành phố thông minh (2,138 tỷ đồng), bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn (nhà đầu tư đề xuất)….
Ông Lê Trung Chinh giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng tài liệu, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố, tổ chức hoạt động xúc tiến và tham mưu UBND thành phố điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Phước Sửu
Theo VNExpress