Những chính sách bất động sản nổi bật có hiệu lực từ đầu năm 2020

Các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ công bố bảng giá đất mới; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất,….là những chính sách bất động sản nổi bật có hiệu lực từ đầu năm 2020.

 

Những chính sách bất động sản nổi bật có hiệu lực từ đầu năm 2020

 

Các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ công bố bảng giá đất mới.

 

Theo khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, từ ngày 1/1/2020, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công khai bảng giá đất mới của địa phương. Giá này sẽ áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2024.

Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tinh tiền và thuế sử dụng đất, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, và để tính tiền trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước,…

Tại Hà Nội, mới đây HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình các loại giá đất trên địa bàn, áp dụng từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2024. Thành phố Hà Nội thống nhất bảng giá điều chỉnh mức tăng bình quân là 15% so với bảng giá giai đoạn 2014 – 2019.

Cụ thể, giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ có giá gần 188 triệu đồng/m2. Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với giá hơn 4.5 triệu đồng/m2.

 

Những vi phạm về đất đai sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

 

Chậm làm sổ hồng cho dân

 

Từ ngày 5/1/2020, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chính thức có hiệu lực. Theo đó, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ hồng sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.

 

Trong đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phát từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng.

 

▪️ Mức vi phạm từ 6 – 9 tháng sẽ bị phạt tối đa là 300 triệu đồng.

▪️ Mức vi phạm từ 9 – 12 tháng sẽ bị phạt mức tối đa là 500 triệu đồng.

▪️ Với những trường hợp chậm từ 12 tháng trở lên, mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng.

 

Phân lô bán nền sai

 

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, từ ngày 5/1/2020, những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ điều kiện sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo diện tích.

 

Trường hợp phân lô bán nền sai, chủ đầu tư sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

 

Nghị định này quy định biện pháp khắc phục là buộc làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh. Buộc chủ đầu tư phải hoàn thành công việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt. Hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt. Buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm,…

 

Lấn, chiếm đất cũng phạt lên đến 1 tỷ

 

 

 

Cũng theo Nghị định này, các hành vi lấn – chiếm đất sẽ bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng. Theo đó, hành vi lấn – chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

 

▪️ Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn – chiếm dưới 0.05 hecta.

▪️ Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng nếu diện tích lấn – chiếm từ 0.05 hecta đến dưới 0.1 hecta.

▪️ Phạt tiền từ 40 – 100 triệu đồng nếu diện tích lấn – chiếm từ 0.1 hecta đến dưới 0.5 hecta.

▪️ Phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng nếu diện tích lấn – chiếm từ 0.5 hecta đến dưới 1 hecta.

▪️ Phạt tiền từ 200 – 500 triệu đồng nếu diện tích lấn – chiếm từ 1 hecta trở lên.

 

Lấn – chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị có thể bị xử phạt đến 1 tỷ đồng.

 

Trường hợp lấn chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị có thể bị xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định nêu trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

 

Thêm trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong danh sách Những chính sách bất động sản nổi bật có hiệu lực từ đầu năm 2020

 

Có hiệu lực từ ngày 10/1/2020, Thông tư số 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất từ ngày 10/1/2020, bao gồm:

 

Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất; Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất; Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất; Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký; Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp; Xóa đăng ký thế chấp.

 

Bổ sung thêm trường hợp đăng ký thế chấp đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.

 

Quy định mới về xây dựng tầng tum, tầng lửng từ năm 2020.

 

Có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1/1/2020, Thông tư 07/2019/TT-BXD về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

 

Theo đó, Thông tư 07 bổ sung, giải thích các khái niệm về nhà ở riêng lẻ; nhà ở chung cư; công trình đa năng; chiều cao của nhà, công trình, kết cấu; tầng trên mặt đất; tầng hầm; tầng nửa/bán hầm; tầng kỹ thuật; tầng áp mái; số tầng của tòa nhà (hoặc công trình).

 

Lùm xùm về tầng cao công trình tại dự án Dự án nhà ở thấp tầng, khu cây xanh công cộng kết hợp hồ nước và các chức năng khác (tên thương mại là The Eden Rose) tại huyện Thanh Trì, Hà Nội khách hàng từng phản ánh việc bị “vẽ” thêm tầng để bán.

 

Đặc biệt, đối với công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.

 

Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.

 

Với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ) thì tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (Ví dụ: sàn kỹ thuật đáy nể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xấy dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2. Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.

Nguồn: cafef.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan